Những loại hoa, trái làm nên Tết Hà Nội

  • 01/31/2021
  • 1385 views

Một năm khởi đầu bởi mùa xuân. Mùa xuân bắt đầu từ những ngày Tết Nguyên đán, Tết cổ truyền. Với người dân Hà Thành, một năm sẽ diễn biến ra sao, sẽ vui hay buồn, may mắn hay khó khăn phụ thuộc rất nhiều vào những ngày Tết. 

>>>Xem thêm: Đào sớm tháng Chạp, nao nao Tết sắp về

Cùng bởi lý do trên mà Tết luôn có một vai trò đặc biệt quan trọng trong đời sống văn hoá, tâm linh của mỗi người dân thủ đô. Vào những ngày này, những loại hoa, trái, vật phẩm tâm linh, truyền thống luôn được chuẩn bị rất kỹ lưỡng. Cùng với bánh chưng, mứt Tết… những loại hoa, trái cây cũng được lựa chọn kỹ càng để chuẩn bị cho một Tết nhiều may mắn, ngọt ngào, bình an. 

Trong bài viết dưới đây, hãy cùng Toàn Tiến Housing đi tìm về những loại hoa, trái không thể thiếu được trong ngày Tết cổ truyền của người dân Thủ đô nhé. 

Đào Nhật Tân 

Trong tinh hoa của Ngũ hành, cây đào được xem là tinh túy nhất. Cũng theo quan niệm phong thủy cây, sắc, thế và hương của hoa đào có thể trị bách quỷ, xua đuổi tà khí. Vì thế nên khi đón năm mới ta thường thấy các gia đình hay trồng đào hoặc chưng bày một chậu đào trước cửa nhà. Hoa đào còn là biểu tượng cho sự đổi mới và sức sinh sôi phát triển mạnh mẽ.

Đào Nhật Tân

Tại Hà Nội, có nhiều vườn đào lớn nhỏ khác nhau. Tuy nhiên nổi tiếng nhất và cũng là “linh hồn" đào Tết có lẽ phải nhắc tới đào Nhật Tân. 

Đào Nhật Tân có mặt và trở nên quen thuộc với người dân thủ đô từ cuối những năm 90 của thế kỷ trước. Tại đây, đào được phát triển với nhiều loại khác nhau, trong đó có ba loại chính là đào thế, đào cổ và đào cành. 

Đào thế có gốc là gốc cây đào bích nguyên thủy, không lai tạo, nguyên gốc từ xưa. Bởi vậy, người trồng đào có thể dễ dàng định ngày nở của cây. Trong đào thế thì có dòng thế bon sai, là những cây nhỏ để ở bàn uống nước hoặc đặt trong các gia đình có diện tích nhỏ. Trái ngược với bon sai là dòng đào công sở, chủ yếu có hình tháp, gọi là đào tán thông. Những cây đào này thích hợp để ở những công ty lớn và những ngôi nhà có diện tích rộng.

Đặc biệt, đào bích Nhật Tân có thể có tới 24 cánh, nở căng tràn khoe sắc hồng xác pháo. Đây cũng chính là giống đào được lựa chọn nhiều nhất trong những ngày Tết. 

Quất Tứ Liên 

Làng Tứ Liên (phường Tứ Liên, quận Tây Hồ) nổi tiếng từ lâu với nghề trồng quất cảnh.  Không rõ chính xác từ bao giờ làng quất cảnh Tứ Liên lại nổi tiếng với nghề trồng quất cảnh. 

Quất Tứ Liên

Quất Tứ Liên từ lâu đã nổi tiếng gần xa bởi thế quất đẹp, quả to, mọng, tươi lâu. Người Hà Thành không rõ quất Tứ Liên có từ bao giờ. Chỉ biết rằng nếu mỗi mùa Tết đến, nếu có nhu cầu trưng quất thì chắc chắn người dân thủ đô sẽ chọn quất Tứ Liên. 

Các vườn quất Tứ Liên đều thuộc phường Tứ Liên, quận Tây Hồ. Quất ở đây hầu hết được lấy giống từ vườn quất Văn Giang - Hưng Yên nên có đặc trưng là quả mọng, căng tròn. Cùng với  việc chăm sóc khéo léo của những người nghệ nhân và mạch nước, phù sa sông Hồng dồi dào, quất Tứ Liên có nhiều thế tạo hình đẹp, tạo nên vẻ sống động và khác biệt.

Theo quan niệm của người Việt, sự sum suê, sai quả của cây quất tượng trưng cho sự “bội thu” và cũng là một khởi đầu cho năm mới tốt đẹp. Bởi vậy mà mỗi dịp Tết đến xuân về, nhà nhà lại chọn cho mình một thế quất để cầu mong một sự khởi đầu tươi mới, thuận lợi, nhiều may mắn. 

Bưởi Diễn 

Bưởi Diễn là tên của một loại bưởi được trồng ở làng Diễn ngày xưa. Ngày nay, phạm vi đất “làng” thuộc các phương gồm Minh Khai, Phúc Diễn và Phú Diễn thuộc quận Bắc Từ Liêm. 

Bưởi Diễn

Khác với các giống bưởi khác, bưởi Diễn ra hoa vào tháng 2, thời gian nuôi quả kéo dài trong suốt ngày một năm. Vào khoảng đầu tháng 1 đến giữa tháng 2 dương lịch hàng năm là thời điểm thu hoạch bưởi. Đây cũng là khoảng thời gian trùng với Tết Nguyên Đán. 

 Ngoài giá trị dinh dưỡng tương tự như nhiều loại bưởi khác, bưởi Diễn còn có đặc điểm là múi vàng óng, mọng nước, vị ngọt mát. Bưởi Diễn có hương thơm ngào ngạt, càng để càng thơm. Đặc biệt, bưởi có thể để được rất lâu mà không hỏng, không cần chất bảo quản. Do đó vào những ngày Tết, bưởi không chỉ được mua về để làm quà mời khách mà còn trưng cả những cây bưởi bon sai đón Tết. Bưởi Diễn biểu trưng cho sự thanh cao, thuần khiết và an yên mỗi dịp tết đến xuân về. 

Cam Canh 

Cam Canh là giống cam được gọi theo tên của nơi trồng, cũng là “thủ phủ" của loài cam này: xã Vân Canh, huyện Hoài Đức, Hà Nội. Đây là giống cam không hạt, vỏ dày, có màu cam đỏ rất đẹp. vị ngọt lịm, mọng nước và rất dậy mùi thơm. Bởi những lý do trên mà theo truyền thuyết, cam Canh được chọn là loài cam tiến vua. 

Cam Canh

Tương tự như quất, những cây cam canh đỏ mọng, trĩu quả và thơm ngát mang biểu trưng cho sự sinh sôi nảy nở, may mắn và bình an. Những ngày Tết đến, người dân Hà Thành thường bày cam Canh lên mâm ngũ quả để thờ cúng gia tiên hoặc đãi mời khách. Nhà nào có diện tích hoặc điều kiện hơn thì có thể trưng bày cả cây cam để cầu thêm phúc, lộc cho cả gia đình. 

Phật thủ Đắc Sở 

Phật thủ là loại quả có hình dáng xù xì, quả  chia nhánh giống như bàn tay Phật. Trước kia, phật thủ xưa kia được trồng ở vùng núi, thân cây có gai nên người dân trồng làm bờ rào để ngăn trâu. Đầu những năm 2000, loại quả này được người dân làng Đắc Sở đem về trồng và trở thành loại quả tâm linh không thể thiếu trong ngày Tết. 

Phật thủ Đắc Sở

Trên mâm ngũ quả, phật thủ được đặt ở vị trí trung tâm, cao nhất. Theo quan niệm, phật thủ là loại quả dùng để thờ Phật và gia tiên vì có mùi thơm quyến rũ, tác dụng lưu giữ thần, Phật và gia tiên lưu lại trong nhà lâu hơn để phù hộ cho gia chủ. Chính vì thế, vào dịp Tết đến nhà nào cũng cố gắng mua bằng được một quả phật thủ để bày cúng ông bà, tổ tiên.

Với những gia đình có điều kiện hơn, gia chủ có thể đặt cả cây hoặc ghép cây theo dáng bonsai để trưng bày trong nhà dịp Tết.  

Tết Nguyên đán sắp đến gần. Hy vọng với những kiến thức dưới đây, các vị khách phương xa, những du khách đang nghỉ dưỡng trong những căn hộ cho thuê tại Hà Nội… sẽ hiểu hơn về văn hoá ngày Tết của người dân Việt Nam nói chung và thủ đô nói riêng.