Nét đẹp trong vẻ ngoài và cốt cách của giai nhân Tràng An xưa
- 03/11/2019
- 7543 views
“Chẳng thơm cũng thể hoa nhài. Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An". Vẻ đẹp của người con gái Tràng An xưa đã trở thành nguồn cảm hứng cho biết bao đề tài thơ ca, văn học. Người con gái Tràng An dịu dàng, đằm thắm, công dung ngôn hạnh và thanh lịch vô cùng…
Hà thành tứ mỹ
Hà Nội được mệnh danh là đất “tinh hoa hội tụ”, nhiều con gái đẹp cũng là dễ hiểu. Giữa thập kỷ 30 thế kỷ trước, người Hà Nội thường nhắc đến vẻ đẹp “chim sa cá lặn” của “Hà thành tứ mỹ” gồm: Cô Bính Hàng Đẫy, cô Nga Hàng Gai, cô Síu Cột Cờ và cô Phượng Hàng Ngang. Trong hồi ký “Những năm tháng ấy”, nhà văn Vũ Ngọc Phan đã tả về cô Phượng Hàng Ngang bằng cả tấm lòng mến mộ thế này: “Năm tôi 13... cô Phượng người tầm thước có đôi mắt bồ câu long lanh mũi dọc dừa thanh tú và đôi má lúm đồng tiền khi cười, khuôn mặt trái xoan quyến rũ giống như diễn viên điện ảnh Marlen Dietrich thời bấy giờ. Cô Phượng ăn mặc rất nền, như phụ nữ Hà Nội thời xưa khi thì chít khăn nhiễu tam giang khi thì chít khăn nhiễu nhung đen, đuôi gà vắt qua mái tóc...”.
Còn cô Bính - Hàng Đẫy, là một trong 19 người con của nhà tư sản Đỗ Lợi, nhà thầu khoán thuộc loại lớn nhất Hà Nội. Vì thường mặc đồ đen, giai nhân được nhà thơ đa tài Nguyễn Nhược Pháp thầm yêu trộm nhớ và đặt tên là “người đàn bà áo đen”. Các “Bài thơ sau này như “Sơn Tinh, Thủy Tinh”, “Tay ngà”, “Chùa Hương”... đều phảng phất bóng dáng e lệ kín đáo, cách ăn nói thưa gửi lễ phép của người đẹp Đỗ Thị Bính... Do cái nếp được cha mẹ uốn nắn trong gia đình, con gái Hà Nội từ xưa vẫn được đánh giá là ý nhị, lịch thiệp. Lời thưa tiếng gửi, lời dạ tiếng vâng vẫn luôn là điều mà mọi phụ nữ có giáo dục gìn giữ cho bản thân trong giao tiếp, dù họ ở địa vị nào. Và đa số các cô gái Hà Nội thời bấy giờ thường đề cao vẻ đẹp giản dị, không trang điểm cầu kỳ, không lòe loẹt phấn son nhưng vẫn nổi bật vẻ sang trọng, quý phái.
Nhà văn Băng Sơn đã từng viết: “Cứ dăm năm lại có một lớp con gái trẻ Hà Nội lớn lên, đẹp hơn trước. Phụ nữ Hà Nội đi đâu cũng không lẫn vì nhiều vẻ. Đó là một điều thật đẹp, thật vui. Ngay giữa lòng thành phố, có thể nhận ngay ra người phụ nữ có cốt cách Hà Nội, bất kể tóc đã hoa râm, bạc trắng hay còn tóc thề để xõa ngang vai, bất luận họ đang vội vã, đang ngồi trên xe máy, đang trong rạp hát, đang ăn quà hay đang thả bộ ung dung trên vỉa hè. Phụ nữ Việt Nam vốn đôn hậu, dịu hiền, đoan trang, ý tứ. Phụ nữ Hà Nội hình như còn bình phương chất ấy lên trong tính cách, từ trong gia đình đến ngoài xã hội”. Quả thật bẵng đi một thời gian, Hà Nội lại có một lớp giai nhân mới. Họ hầu hết là nữ sinh trường Đồng Khánh, ngôi trường được mệnh danh là trường của những giai nhân. Trong tâm trí người Hà Nội xưa, trường nữ sinh Đồng Khánh nổi tiếng với những cô học trò xinh đẹp, được sinh ra trong các gia đình quyền quý, đầy mộng mơ, hồn nhiên thướt tha trong tà áo dài. Họ không chỉ được dạy văn hóa, dạy tiếng Pháp mà còn được dạy thêu thùa may vá, nữ công gia chánh, hát, đàn piano, thể dục thể thao...
Nổi danh cho cái đẹp thời bấy giờ là: Bà Bạch Thược, bà Viên Thị Thuận, bà Nghiêm Thúy Băng - vợ cố nhạc sĩ Văn Cao... Trong ký ức rất đỗi tự hào của mình, bà Viên Thị Thuận kể: “Ngày đó, nữ sinh Đồng Khánh nổi tiếng không chỉ thông minh, xinh đẹp mà còn hết sức nết na thùy mị. Các nữ sinh Đồng Khánh thường mặc áo dài thướt tha, thả mái tóc dài mượt, gọn ghẽ đến trường. Đặc biệt, theo nội quy nhà trường, không ai được phép trang điểm khi đi học. Thế mà các nữ sinh Đồng Khánh lại rất đẹp, đẹp đến hút hồn khiến bao trái tim nam sinh của các trường Trung học, Đại học phải si mê, ngơ ngẩn. Buổi chiều tan học, nam sinh từ các trường khác thường mon men đến cổng trường Đồng Khánh, đứng ngắm, nhìn trộm từ xa lúc các cô gái tan học về. Hầu như chàng trai nào cũng mơ được làm quen với một nữ sinh Đồng Khánh”.
Người đẹp Bạch Thược xưa
Nhà văn Văn Thao - con trai cả của cố nhạc sĩ Văn Cao và bà Nghiêm Thúy Băng đã nói về mẹ mình bằng niềm ngưỡng mộ: “Mẹ tôi được thừa hưởng nhan sắc từ bà ngoại, cũng là con của một đại tư sản ngày đó. Là tiểu thư trong một gia đình giàu có, bà sống đúng nghĩa là tiểu thư “cành vàng lá ngọc”, ăn mặc sang trọng thanh nhã, vẻ đẹp đài các rạng rỡ, đi đâu cũng có kẻ hầu người hạ vây quanh nhưng gia giáo trong gia đình vẫn theo khuôn phép nho nhã xứ Bắc kỳ, được dạy tỉ mẩn từ lời ăn tiếng nói. Cung cách quý phái và nhan sắc rực rỡ của bà đã khiến bao chàng trai tốt nghiệp bác sĩ, kỹ sư bên Pháp về si mê và cho người đến dạm ngõ.
Thế nhưng bà lại quyết định lấy ông vì cảm mến tài năng của ông. Chênh lệch tuổi tác, khác nhau về xuất thân, nhưng họ vẫn là một cặp vợ chồng hạnh phúc, sướng khổ có nhau. Lấy chồng, từ bỏ cuộc sống nhung lụa, giàu sang, bà theo chồng lên Việt Bắc, gia nhập vào đời sống kháng chiến. Tiểu thư con nhà giàu mà mặc áo nhuộm, áo sòng, rồi tự chẻ củi, nấu nướng, gánh nước, rồi hòa bình về, vẫn phải buôn gánh bán bưng, không chuyện cực khổ nào mà không gánh vác vì gia đình. Bà chấp nhận những khó khăn, vất vả bởi bà có một tình yêu lớn hơn, tình yêu với người đàn ông của đời bà”.
Con gái Hà Nội là thế, bên cạnh việc đề cao sự chỉn chu từ mái tóc đến vóc dáng, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, họ đều toát lên vẻ đẹp của sự đảm đang khéo léo, thương chồng thương con. Với họ, “công dung ngôn hạnh” là những tiêu chí hàng đầu cho chuẩn mực một người phụ nữ “đẹp”. Sự dịu dàng, đằm thắm được coi là “vũ khí” để họ giữ gìn tổ ấm gia đình. Và điều này được thể hiện rõ nét trong những trang văn thấm đẫm chất Hà Nội của nhà văn Vũ Bằng.
Người ta nói Vũ Bằng nên duyên với người đẹp Nguyễn Thị Quỳ vì bà nấu ăn ngon cũng đúng. Chính bà đã tạo linh hồn cho “Thương nhớ mười hai”, “Miếng ngon Hà Nội” thêm đặc sắc và thi vị bằng chính sự đảm đang khéo chiều sở thích ăn ngon của chồng. Cũng bởi vì thế, bàng bạc trong những trang văn hay nhất của mình, nhà văn Vũ Bằng luôn thể hiện niềm thương nỗi nhớ dành cho người vợ. Trong “Miếng ngon Hà Nội”, nhà văn viết ngay đầu sách những lời rất dè dặt: “Thân mến tặng Quỳ - người nội trợ đã giúp tôi viết xong cuốn sách này; người bạn đã cho tôi được thưởng thức miếng ngon đất Bắc” hay “Thương nhất là người vợ bé nhỏ yêu chồng, mùa nào thức nấy, không bao giờ phải đợi cho chồng phải nói lên sự ước mơ” (Thương nhớ mười hai)...
Và vượt lên tất cả, vẻ đẹp và cốt cách của người con gái Hà Nội đã góp phần làm nên vẻ đẹp của văn hóa, nguồn cảm hứng của biết bao áng văn thơ và là nỗi nhớ niềm thương, nguồn động viên tinh thần lớn lao trong những tháng năm bom rơi đạn nổ... Và cứ thế, con gái Hà Nội in đậm dấu ấn trong thơ ca, nhạc, họa... còn mãi với thời gian. Để rồi cái nhộn nhạo, xô bồ của nhịp sống gấp gáp hôm nay người ta vẫn nao lòng nhớ về dáng vẻ nhẹ nhàng, lịch thiệp mà tinh tế của người con gái Hà thành xưa.
Nguồn: hanoimoi.com.vn